Phụ nữ mang thai thường quan tâm đến việc tăng cân, chăm sóc da sao cho không bị rạn, hay luyện tập ra sao để xương khớp không bị yếu đi mà quên mất một vấn đề quan trọng không kém đó chính là chăm sóc răng miệng khi mang bầu.
Không phải vô cớ mà hầu hết bác sĩ sản khoa đều khuyên phụ nữ trước khi muốn có thai nên đi khám sức khỏe răng miệng.Thực tế cho thấy, sức khỏe răng miệng và chuyện bầu bí có mối liên hệ mật thiết với nhau mà nhiều người không để ý tới.
Khi mang thai nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ sẽ thay đổi, cùng với những yếu tố khác khiến răng lợi có nguy cơ yếu đi. Nếu không được chăm sóc tốt thì điều này sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi và cả mẹ bầu.
Dưới đây là một số triệu chứng bệnh răng miệng thường gặp ở phụ nữ khi mang thai và những cách phòng tránh:
U hạt sinh mủ
Đây không phải là các khối u ung thư, chúng thường phát triển thành u nhỏ màu đỏ ở nướu răng do sự phản ứng của cơ thể với các mảng bám trên răng, nó có thể gây chảy máu hoặc lở loét. U hạt thường sẽ mất hẳn sau sinh, nhưng nếu chúng không mất đi và gây cản trở trong sinh hoạt cần tới bác sĩ để được cắt bỏ.
Lời khuyên cho các mẹ bầu là nên đi khám định kỳ, bên cạnh đó cần đánh răng tối thiểu hai lần một ngày, sau khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ. Thường xuyên thay mới bàn chải đánh răng, sử dụng bàn chải chất liệu mềm để không gây tổn thương cho nướu.
Chứng sâu răng
Phụ nữ khi mang thai có cảm giác buồn nôn nên họ hay thay đổi thói quen ăn uống của mình, việc có nhu cầu ăn nhiều thực phẩm có chứa hàm lượng glucose cao là một trong các nguyên nhân gây ra hiện tượng sâu răng. Các nghiên cứu cho thấy có ¼ phụ nữ khi mang thai đều bị sâu răng. Nếu không điều trị sớm thì sâu răng đều có những ảnh hưởng không tốt lên thai nhi.
Ngoài việc chăm vệ sinh răng miệng các mẹ bầu nên hạn chế ăn đồ ngọt mà thay thế bằng các loại trái cây, rau củ tươi, vừa tốt cho thai nhi vừa hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ và đảm bảo an toàn cho sức khỏe răng miệng.
Chứng viêm nướu
Có đến 90% phụ nữ bị viêm nướu khi mang thai. Nguyên nhân gây ra viêm nướu chính là do sự tăng cao của hormon progesteron và estrogen trong thời kỳ mang thai, dẫn đến viêm nướu thai nghén, nướu đỏ, sưng, đau, có thể bị chảy máu. Biểu hiện của nó có thể bắt đầu từ tháng thứ 2 thai kỳ và lên đến đỉnh điểm vào tháng thứ 8. Với những mẹ bầu nào đã có tiền sử viêm nướu khi mang thai tình trạng này có thể càng nghiêm trọng hơn.
Một số nghiên cứu còn cho thấy có sự liên hệ giữa viêm nướu ở bà mẹ với tình trạng sinh non và nhẹ cân khi sinh của thai nhi. Chính vì vậy các mẹ bầu hãy tích cực vệ sinh răng miệng thật kỹ, đánh răng sau khi ăn, dùng các loại bàn chải đánh mềm, các loại kem đánh răng phù hợp. Nên dùng chỉ nha khoa thay vì dùng tăm sau khi ăn.
Tình trạng viêm nha chu
Bệnh viêm nha chu thường gặp ở những người ở độ tuổi trung niên, tuy nhiên mang thai cũng rất dễ mắc phải bệnh này. Đây là tình trạng có thể khiến nướu mất độ bám dính vào răng, xương ổ răng bị tiêu hủy và các túi nha chu hình thành, suy giảm chức năng của răng, gây mất răng. Các chất được tiết ra trong quá trình viêm nha chu có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi.
Cách phòng tránh tình trạng này ngoài việc đi khám răng định kỳ 6 tháng một lần, nếu thai phụ có biểu hiện của viêm nướu thì cần điều trị dứt điểm. Nếu đã bị nha chu cần tới bác sĩ chuyên khoa để điều trị.
Chứng khô miệng
Sự thay đổi hormone trong cơ thể khi mang thai có thể gây giảm tiết nước bọt dẫn tới hiện tượng khô miệng. Để cải thiện tình trạng này hãy thường xuyên uống nước, tăng cường nhai giúp cơ thể tiết ra nhiều nước bọt, giúp làm sạch miệng, chống sâu răng, viêm lợi. Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều đường, súc miệng nhiều lần bằng nước sạch sau khi nôn ói để giảm thiểu sự tấn công của acid lên men răng.
Để bảo vệ răng miệng ngoài việc thăm khám định kỳ các thai phụ nên có chế đồ dinh dưỡng hợp lý. Tăng cường ăn trái cây tươi, rau xanh, uống sữa; hạn chế lượng muối và các chất béo. Ngoài ra, nên các thực phẩm mềm, dễ nhai, được nấu nhừ vừa tốt cho răng miệng lại tốt cho hệ tiêu hoá.
Hãy đến gặp nha sĩ trước khi muốn có thai. Mục đích của việc này là răng được làm sạch, mô nướu sẽ được nha sĩ thăm khám một cách cẩn thận và điều trị bất kỳ vấn đề răng miệng nào.
Khi sức khỏe răng miệng của mẹ không tốt ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi, và vấn đề này đã được thực tế chứng minh. Sức khỏe mẹ không tốt sẽ gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, tình trạng răng miệng của bé ít nhiều cũng bị tổn thương. Phần lớn những trẻ sinh ra từ người mẹ có vấn đề răng miệng đều có tình trạng răng miệng không tốt như những trẻ được sinh ra bởi thai phụ có sức khỏe răng miệng tốt.
Một hàm răng của bé bắt đầu phát triển từ tháng 3-6 của thai kỳ. Vì vậy hãy chắc chắn rằng thai phụ ăn đầy đủ canxi, vitamin D, C và A, phốt pho và protein.
Trần Hương
Theo Đời sống & Pháp lý